Đang tháng 7, cuối chiều, trời bất chợt đổ mưa giữ chân mấy anh em tiếc việc còn ở lại tòa soạn. Trong lúc tán chuyện chờ mưa tạnh, chủ đề được nhiều người quan tâm nhất là hạn chót cuộc thi viết “Phú Yên - Ký ức và ước vọng” đã gần kề nhưng vẫn còn một số phóng viên chưa có bài tham gia. Chúng tôi cũng chia sẻ với mọi người, vì bài viết về ngôi trường thân yêu đang viết dở. Nhìn màn mưa trắng xóa, bao nhiêu kỷ niệm thời học sinh chợt ùa về…
“Hồi nghe tin trúng tuyển vào trường, cảm giác của em khó tả lắm! Hãnh diện có, nhưng cũng lo nhiều. Thời đó em nghe nói học trường chuyên phải chịu nhiều áp lực, thầy cô rất khó tính, còn học sinh thì “chảnh” lắm. Nhưng sau những buổi học đầu tiên em biết mình may mắn được học trong một môi trường rất tốt, đặc biệt là mấy bạn lớp em đứa nào cũng vui tính và nhiệt tình”.
Chúng tôi cùng học một trường, đều là lớp chuyên Anh nhưng cách nhau bảy khóa, bây giờ là đồng nghiệp. Không có nhiều thời gian đi cơ sở, không hẹn mà cùng chung ý tưởng viết về Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - niềm tựhào của bao thế hệ học sinh. Em thỉnh thoảng vẫn về thăm trường rồi cập nhật thông tin cho tôi. Một bữa cậu xộc qua phòng tôi: “Chị, trường mình vừa bị cháy phòng Giáo vụ. Bảo vệ đi đâu mà để xảy ra cháy vậy không biết!”.
KHÓ KHĂN
Màn mưa vẫn dày… Cậu nhỏ say sưa kể về lớp của mình. “Lớp Anh khóa 1998-2001 có 31 đứa, nhưng chỉ 6 nam nên tụi em được “cưng” lắm. Bạn bè cùng lớp luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong việc học lẫn trong cuộc sống. Bây giờ gặp lại, tụi em vẫn hô to khẩu hiệu “Eat Italy – Ăn Ý” mà hồi đó cả lớp nghĩ ra”.
So với chúng tôi, khóa các em đúng là sướng hơn vì được học dưới mái trường khang trang, có cả phòng lab để luyện nghe tiếng Anh và phòng vi tính để thực hành tin học. Lớp 7, tôi chính thức trở thành học sinh trường Lương Văn Chánh, khi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh ban hành Quyết định thành lập Trường THCS chuyên Lương Văn Chánh vào ngày 05/9/1988. Trước thời điểm đó, các lớp học sinh giỏi bậc THCS của TX Tuy Hòa tùy theo cấp học mà được “gửi” ở Trường sư phạm Thực hành (nay là Trường tiểu học Âu Cơ) hay Trường PTCS Phường 5 (nay là Trường THCS Hùng Vương). Còn nhớ, gần ngày khai giảng năm học 1988-1989, chúng tôi cùng các anh chị lớp trên theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo đã khiêng bàn ghế đi bộ từ Trường PTCS Phường 5, ngược đường Nguyễn Huệ để đến trường mới tại cơ sở Trường cấp I Phường 3 (nay là bãi đất trống gần Trường tiểu học Kim Đồng) cách đó không xa lắm. Khi ấy, dù chưa hình dung được điều gì nhưng tôi có cảm giác rất háo hức vì sẽ được học ở một ngôi trường dành riêng cho học sinh giỏi.
Tuy nhiên, ngồi chưa ấm chỗ, sang học kỳ 2 chúng tôi phải chuyển về số 05 đường Lương Văn Chánh, là khu nhà cấp 4 cũ kỹ cách chợ Tuy Hòa chỉ vài trăm mét. Trường chật. Tiết thể dục học sinh phải ra đường tập, mặc các bà, các chịđi chợ và bọn trẻ con trong xóm ngó nghiêng, bình “loạn”. Trường nghèo nên kinh phí hoạt động eo hẹp. Có một thời gian các thầy cô tổ chức sản xuất nước ngọt có gaz đóng chai tại trường để kiếm nguồn thu… Khi ấy thầy Nguyễn Ngọc Ảnh làm hiệu trưởng và thầy Nguyễn Trọng Thiện làm hiệu phó, cả hai thầy đều là giáo viên toán nhưng học trò không tìm thấy sự khắc khe của những ông giáo dạy toán ở các thầy. Ngược lại, hai thầy rất hiền và gần gũi học sinh, thường xuyên đến thăm từng lớp và động viên học trò. Thầy trò cả trường gắn bó như một đại gia đình. Năm học tiếp theo (1989 - 1990), chúng tôi học lớp 8B do cô Hoàng Hà, giáo viên văn, làm chủ nhiệm. Viết đến đây tôi phải tạm dừng vì không biết diễn đạt như thế nào về tình cảm và sự quan tâm của cô dành cho chúng tôi. Chỉ có thể nói ngắn gọn, cô là một nhà giáo tuyệt vời! Bạn tôi, nhà báo Phương Trà, sau này có một truyện ngắn viết về cô, mang tựa đề “Người đưa đò vĩ đại”.
Tái lập tỉnh, chúng tôi nghe tin thành lập Trường PTTH chuyên Lương Văn Chánh theo Quyết định số 267/UB, ngày 23/10/1989 của UBND tỉnh Phú Yên. Khóa học 1989-1990 năm ấy, Sở Giáo dục đứng ra tuyển sinh cho trường nhưng việc giảng dạy lại do Trường PTTH Nguyễn Huệ đảm nhận. Năm học kế tiếp, trường mới có đội ngũ giáo viên riêng và vẫn mượn tạm cơ sở vật chất của trường Nguyễn Huệ. Năm học 1991-1992, khi tôi vào lớp 10 và năm 11 tiếp sau, trường vẫn mượn hai dãy phòng phía sau Trường PTTH Nguyễn Huệ để hoạt động. Rất nhiều chiều, giờ ra chơi chúng tôi ngồi mơ màng ngắm lục bình nở tím cả khoảng ruộng nước ngoài cửa sổ (nơi này nay đã thành sân bóng của Trường Nguyễn Huệ). Mùa mưa, có khi phải lội nước ngập tới gối mới vào được phòng học. Thi thoảng, các bạn học sinh Nguyễn Huệ đứng bên kia hàng rào dây thép gai hét vọng sang “Đồ học ké”. Vậy mà vẫn vô tư!
Chưa hết lận đận. Năm học cuối cấp 1993-1994 thì có quyết định hợp nhất hai trường cấp II và III thành Trường phổ thông cấp II- III Lương Văn Chánh. Khối cấp III lại phải “ăn nhờ ở đậu” Trường cao đẳng Sư phạm (nay là trụ sở của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên) vào buổi chiều. Cảnh đi học nhờ của trường chúng tôi nghe đâu kéo dài tận gần cuối năm học sau, thậm chí còn mượn thêm phòng học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Mãi đến ngày 26/3/1995 trường chuyển về trụ sở mới chính thức tại 05 Phan Lưu Thanh, phường 7, TX Tuy Hòa. Điều này như khích lệ tinh thần thầy và trò Lương Văn Chánh, năm học 1995-1996 lần đầu tiên tham dự kỳ Olympic học sinh giỏi phía Nam đạt 10 giải/11 học sinh dự thi. Cũng năm ấy tỉ lệ học sinh của trường đỗ đại học cao nhất với 112/113 em, trong đó có 7 thủ khoa đại học và cao đẳng. Khiấy, tôi đang học xa nhà, nghe tin lòng dậy lên cảm giác lâng lâng, tự hào. Vài năm sau, niên khóa 1998-1999, khối cấp II tách ra thành lập Trường THCS Lương Thế Vinh, trường tôi trở thành Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đến tận bây giờ.
… VÀ ƯỚC VỌNG
“Em về trường thường gặp cô Xuân Hương, cô nhắc nhiều về anh Quốc Khương và chị Phương Trà. Hồi đó khó khăn vậy mà các anh chị vẫn học tốt quá chừng”.
Nhà giáo ưu tú Xuân Hương là một trong những giáo viên đầu tiên về công tác tại trường. Tâm sự với cô, chúng tôi cảm nhận niềm đam mê giảng dạy trong cô vẫn vẹn nguyên như ngày nào, vẫn có lửa trong mỗi lần đứng lớp. Cô cho biết: “Trăn trở của cô cũng như giáo viên của trường là làm sao chắt chiu, “chưng cất” kiến thức để cung cấp cho học trò làm hành trang trước các cuộc thi quan trọng. Ngoài việc tìm tài liệu, các cô cũng suy nghĩ phương pháp giảng dạy mới để khơi dậy trong học sinh niềm yêu thích các môn học, nhất là môn Văn, sau đó hướng cho học sinh đến việc cảm thụ môn học có hiệu quả nhất. Thầy cô không chỉ dạy chữ, mà còn trang bị cho các em vốn sống ngoài đời”. Có câu “Văn học là nhân học”, vì thế có thể nói những giáo viên Văn như cô Đặng Thị Xuân Hương, thầy Nguyễn Đình Chúc, cô Nguyễn Thị Hồng… đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của bao thế hệ học sinh Lương Văn Chánh qua hàng ngàn giờ rút ruột nhả tơ trên bục giảng. Mỗi khi gặp lại thầy cô, những lời thăm hỏi tận tình đôi khi lại làm một đứa học sinh cũ như tôi thực sự bối rối, tự hỏi mình đãlàm được gì để xứng đáng công lao trời biển của thầy cô.
Không nhắc lại hai giai đoạn lịch sử thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, sau gần 23 năm thành lập, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh bây giờ khá khang trang với nhiều phòng học, phòng thực hành vi tính, phòng chuyên môn… đápứng nhu cầu ngày càng cao trong việc dạy và học. Một lần về thăm trường, chúng tôi may mắn gặp được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Hào trong một khoảng thời gian rảnh hiếm hoi của thầy. Phút trải lòng, thầy tâm sự: “Trong những năm tới, mục tiêu phấn đấu của trường là nâng vị trí xếp hạng trong “top” 200 trường THPT có tỉ lệ đỗ đại học cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, trường luôn chú trọng đến mục tiêu, ưu thế, uy tín của trường chuyên. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trường hướng đến việc chuẩn bị nhân cách cho công dân toàn cầu trong xu thế hội nhập, trong đó, học sinh không chỉ nắm vững về kiến thức, mà còn phải có nhiều kỹ năng sống như giao tiếp, hoạt động thể thao, giữvững phẩm chất Lương Văn Chánh: “Lương thiện, văn hóa, chánh trực”. Buổi nói chuyện kết thúc, cả thầy và trò chìm vào khoảng lặng mơ màng…
* * *
Ký ức về thời học sinh như một tập tin từ lâu bị quên lãng, cơn mưa chiều bất chợt đã vô tình kích hoạt, dữ liệu sắp xếp theo thời gian lần lượt hiển thị trước mắt tôi. Nghe đâu đề án xây dựng cơ sở mới của trường đã được tỉnh phê duyệt. Tôi mường tượng rồi đây trường tôi sẽ là những khu nhà cao tầng khang trang, có đầy đủ phòng thí nghiệm, khu thể thao, khu nội trú và không thể thiếu một khoảng sân rợp bóng cây. Khi đó, các lớp đàn em sẽ có điều kiện học tập tốt hơn và gặt hái nhiều thành tích hơn nữa ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Đã có những Phan Thành Nam (2002), Trần Thanh Phong (2005), Lê Hồng Nam, Trần Quốc Luân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Lê Nguyên Bảo (2010)… được đặt nhiều kỳ vọng. Tôi tin một ngày nào đó sẽ có những Ngô Bảo Châu xuất thân từ Trường Lương Văn Chánh. Và toàn trường sẽ đón nhận phần thưởng cao quý hơn, không chỉ là Huân chương Lao động hạng Nhì.
|