Khi tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ba mẹ bảo nên xin việc ở quê, gần nhà, thuận tiện. Với sự háo hức của một thanh niên, tôi nằng nặc đòi đi vùng sâu vùng xa. Ba mẹ và mấy anh chị phản đối, tôi vẫn hớn hở đi.
Hai mươi mốt tuổi, tôi về công tác tại Trường THCS Sơn Giang (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh). Nơi đây là xã đồng bằng của huyện miền núi nhưng với tôi, với ba mẹ, đó đã là miền núi. Tôi chập chững bước từng bước nhỏ vào đời, sống xa nhà như con chim non xa lìa tổ ấm, phải đơn lẻ tìm mồi khi vừa đủ sức bay.
Sống trong tình yêu thương của các đồng nghiệp cùng trường nhưng tôi vẫn thấy cô đơn. Tôi lúc nào cũng vui vẻ, hồn nhiên, nói nói cười cười để rồi về đêm lại thầm khóc. Mỗi lần bất chợt nhìn hoàng hôn rơi, nhìn khói bếp nhà ai bảng lảng trong chiều, tôi nhớ đến nao lòng bữa cơm chiều cùng bố mẹ và bé út yêu thương.
Tôi có người yêu, kết hôn và định cư ở Sông Hinh - nơi mà tôi đã không nghĩ sẽ níu được chân mình. Đầu mùa hè năm đó, trên đường đi thăm một người quen nằm viện, tôi đã gặp tai nạn. Tôi được đưa vào Sài Gòn chữa bệnh, sau một thời gian dài hôn mê, đến lúc tỉnh tôi có cảm giác tôi đã không còn là tôi của ngày trước, hình thức đổi thay, những cái sẹo, những di chứng của tai nạn, tinh thần rã rời, cuộc sống bị xáo trộn, và tôi thấy cuộc đời một màu xám ngắt! Tôi buồn vô hạn, bao nhiêu dự định đã không thực hiện được trong dịp hè. Tôi chán đời, gục ngã, không tìm được niềm vui cuộc sống khi xưa. Mới hai tám tuổi, tôi đã có cái mà người ta phân định: ngày xưa - ngày nay. Tôi đau khổ vô cùng vì đã lạc mất chính mình rồi.
Trên đường từ Sài Gòn về nhà, tôi không có một cảm giác nào khác là tuyệt vọng, chán chường. Vừa đến nhà, tôi thấy học sinh đã đứng rất đông chờ mình. Có em chạy lại ôm chầm tôi, khóc nức nở. Có em nói: “Tụi em rất lo khi nghe tin cô bị tai nạn. Cô cố gắng ăn uống cho chóng bình phục rồi ra lớp dạy chúng em!”. Tôi vô cùng xúc động, nước mắt cứ muốn trào ra. Các em nhỏ ở lại, vây xung quanh an ủi tôi rất nhiều. Những hôm sau, các em lại đến rất đông thăm tôi. Nhà các em ở xa, trời mưa dầm dề mà các em vẫn đạp xe đến thăm cô giáo.
Một tháng sau, tôi đi tái khám và nhập viện. Vào viện một thân một mình, không người chăm sóc nên lúc nào cũng thấy mệt mỏi. Bỗng một hôm có hai cô cậu học trò đến thăm tôi. Các em đã là sinh viên thành phố nhưng vẫn thường hỏi thăm người quen về cô giáo cũ nên biết tin tôi nằm viện thành phố và đến thăm. Tôi thực sự xúc động vì các em vẫn còn nhớ mình và đến thăm, động viên. Tôi nghĩ, không điều gì làm một giáo viên hạnh phúc bằng việc có nhiều học trò nhớ đến mình mặc dù các em đã xa trường nhiều năm rồi. Tôi và hai em vừa chia tay thì các đồng nghiệp vào thăm, tình đồng nghiệp thật ấm áp biết bao! Sau mấy tháng nằm viện, nhận được những lời hỏi thăm, an ủi, tôi như có sức mạnh, yêu đời. Tôi đi tập thể dục nhẹ, xem tivi…
Hôm đó, đài truyền hình phát phóng sự khen ngợi cán bộ huyện Sông Hinh đã sáng tạo và đi đầu trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngồi giữa căn tin, tôi thấy thật hãnh diện vì mình là một người dân Sông Hinh. Đang ở Sài Gòn, tôi nhớ quay quắt Sông Hinh đầy sắn mì và mía. Tôi nhớ thị trấn Hai Riêng, tuy nhỏ bé nhưng xinh xắn. Tôi nhớ đến những người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng sống rất tình cảm. Nhớ nhất là khuôn mặt của các em thơ, tay chai sần vì bào sắn mì, làm cỏ mía nhưng vẫn đến trường, say mê với các con chữ. Trong lúc này, hơn bao giờ hết, ước mơ của tôi là mau chóng bình phục để về đứng lớp, đem chữ thắp sáng vùng cao…
Tôi đã hai tám tuổi, xưa nay tôi vẫn tự thấy mình chưa “già” so với tuổi nhưng qua biến cố này, tôi nhận ra một điều, rất giản dị nhưng cũng rất quan trọng với tôi, đó là lý tưởng sống của mình, tôi yêu Sông Hinh, yêu nghề giáo, tôi thuộc về mảnh đất này. Ngày khai giảng, tôi đã thực sự khỏe mạnh nên đến trường, học trò tụ lại từng nhóm, hớn hở đón tôi ở cổng trường. Còn hạnh phúc nào bằng, ánh mắt trìu mến của các em đã tiếp cho tôi sức mạnh, tôi tự tin bước vào trường và thấy cuộc sống này thật tươi đẹp. Bầu trời Sông Hinh, con người Sông Hinh, tất cả đều thân thương, rất đẹp. Tôi mãn nguyện vì mình đã chọn mảnh đất này để dừng chân, mảnh đất miền cao đầy niềm tin và hy vọng, mảnh đất mà ở đó, chỉ cần một điều giản dị cũng có thể nâng một người đứng dậy và vươn lên trong cuộc sống. Tôi tự hứa với lòng, phải giữ gìn sức khỏe, phải sống tốt, lạc quan, kiên cường và mạnh mẽ để còn tiếp tục sự nghiệp trồng người trên vùng cao đầy nắng và gió
|