Thi thoảng, bỏ lại sau lưng những ồn ào tất bật của thành phố, tôi trở về quê. Về với cái xóm nhỏ tựa lưng vào núi ở vùng 6 xã An Định (huyện Tuy An), chỉ để ngồi trên bậc thềm căn nhà cũ, ngắm cánh đồng phía trước mặt, những dãy núi quấn quýt chung quanh và hình dung nụ cười của người dân quê giữa đất trời xanh ngát.
TIẾNG KẺNG VÀ CON BÁO
Tuổi thơ tôi là cánh đồng, là màu xanh ngút mắt, tinh mơ thức giấc cùng ríu rít tiếng chim chìa vôi, trưa mơ màng trong gió nam ào ạt và đêm đêm tiếng chim gõ kiến theo vào giấc ngủ. Có những buổi chiều, khi hoàng hôn thay màu vàng của nắng bằng màu lam pha sắc tím nhẹ, bỗng nhiên gió mang tiếng kẻng tới. Đang kéo cần vọt đưa những gàu nước sóng sánh lên từ cái giếng trong vắt, ba dừng tay lắng nghe và nói: “Tối nay họp”.
Sau giải phóng, An Định thành lập hai HTX nông nghiệp là Đông An Định và Tây An Định. HTX Tây An Định do chú Ba Định, tên đầy đủ là Bùi Định, ở xóm tôi làm chủ nhiệm trong hơn 10 năm. HTX có 11 đội sản xuất với khoảng 1.200 xã viên. Không có loa truyền thanh, không có điện thoại, người ta dùng tiếng kẻng để báo hiệu cuộc họp của các đội sản xuất. Họ gõ ba hồi kẻng, số tiếng kẻng sau đó sẽ tương ứng với tên đội sản xuất, ví dụ: đội 1 là ba hồi một tiếng, đội 2 là ba hồi hai tiếng…
Tôi ghét tiếng kẻng vì mỗi lần âm thanh đó chờn vờn trên cánh đồng, ba lại tưới nước vội vã, ăn cơm vội vã rồi dặn bà nội: “Lát nữa con đi họp, ba bà cháu ở nhà nhớ đóng cửa cẩn thận”. Tối, đem theo cây đèn pin, ba dắt xe đạp ra khỏi nhà, nơi sườn xe kẹp cây gậy sắt. Tôi nhìn theo, thấy ngoài sân tối om, và đêm thắp lên hàng chục, hàng trăm đốm lửa nhỏ xíu, chấp chới trên hàng rào.
Ở quê tôi ngày trước, nếu không có việc gì thật cần thiết, người ta không ra khỏi nhà. Đêm nơi đây là của bầy heo rừng phá phách, của những con chồn mặt mèo chuyên lẻn vô xóm bắt gà, những con nhím lầm lũi chuyên gặm khoai và của cọp, beo (báo). Ba kể, hồi tôi còn nhỏ xíu, một đêm nọ, ba choàng tỉnh vì tiếng kêu cuống quýt của con Mực. Và gió lùa vô nhà mùi hôi rất khó chịu.
Rời khỏi giường, ba đi lên nhà trên, vặn to ngọn đèn hột vịt.
Qua cánh cửa được đan bằng tre, ánh trăng xuyên vào nhà. Ba lạnh người khi thấy một con beo to bằng con nghé đang nằm sát bên cánh cửa. Ánh trăng trải nhẹ lên bộ lông lốm đốm.
Lúc đó khoảng hai giờ sáng. Có lẽ từ trên ngọn núi Bà phía bên phải xóm hay trên hòn Động Gương ở sau lưng xóm, con beo đi săn mồi và nghỉ chân nơi thềm nhà tôi.
Ba xuống bếp, mang lên đôi thùng thiếc mà hằng ngày vẫn dùng để xách nước tưới cây. Đặt đôi thùng sát cánh cửa, sau lưng con beo, ba vung cây gậy sắt gõ thật mạnh.
Kim loại đập vào kim loại. Những âm thanh chói tai vang lên. Con beo từ tốn đứng lên, thong thả rời khỏi bậc thềm, khuất dần dưới trăng.
Cọp, beo là nỗi kinh sợ của người dân ở hai thôn Phong Hanh, Phong Thăng thuộc xã An Định trong những năm đầu sau giải phóng. Mỗi khi có việc phải ra khỏi nhà vào ban đêm, người quê tôi thường cầm những cây đuốc bằng bã mía sáng rực.
ĐOÀN TÀU ĐI QUA
Dân quê tôi sống dựa vào đồng ruộng. Ngày ngày gieo mồ hôi trên những cánh đồng, họ được HTX khoán công việc và tính bằng điểm. Cuối vụ, căn cứ vào số điểm, HTX quy ra công, 10 điểm bằng một công (từ 1,8-2,3kg lúa), tùy vào năng suất thu hoạch. Hồi đó năng suất lúa rất thấp, một sào chỉ thu được chừng 90kg. Ngoài lúa, người ta còn trồng bắp, đậu xanh…; một số người trồng mía, thu hoạch và ép bằng che thủ công.
Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời sắp sụp xuống dãy núi sau nhà, từ phía chân trời, tiếng còi tàu băng qua cánh đồng, băng qua con đường đất rồi chạm vào khu vườn của chúng tôi. Tiếng còi cắt ngang những trò chơi. Hai chị em tôi ù té chạy ra cổng và đứng bên mé ruộng.
Từ phía bên phải rặng núi trước mặt, như một con rắn khổng lồ, đoàn tàu chầm chậm trườn qua cánh đồng, chầm chậm leo lên cầu sắt cũ kỹ trước khi khuất dạng. Trong thời gian đó, chúng tôi gần như bất động, tập trung vào hình ảnh duy nhất đang xình xịch chuyển động ở phía chân trời. Một ngày có mấy chuyến tàu đi ngang qua, nhưng chúng tôi chỉ chờ đợi chuyến tàu đến trong chiều muộn.
Người lớn nói rằng, trước khi ngang qua đây, đoàn tàu này đã dừng khá lâu ở TX Tuy Hòa, cách cái xóm nhỏ của chúng tôi hơn 30 cây số. Ở đó có những bóng điện sáng đến chói mắt chứ không phải là ngọn đèn dầu tù mù; có những ngôi nhà rộng rãi, mái không lợp tranh, vách không trét bằng đất trộn rơm; có những con đường rộng… Và, chúng tôi chiêm ngưỡng đoàn tàu như chiêm ngưỡng hình ảnh kỳ vĩ đến từ một thế giới hoàn toàn khác.
TX Tuy Hòa cách chúng tôi hơn 30 cây số. Xa thật xa…
Tại An Định quê tôi, có một nơi có thể mang chút hơi hướng của Tuy Hòa. Đó là chợ Đèo, một chợ quê đơn sơ mỗi tháng họp 6 phiên, chỉ trong buổi sáng. Đến phiên, người dân ở các xã An Định, An Xuân, An Lĩnh đưa chuối, mít, đậu xanh… tới, người ở An Ninh gánh cá, mắm… lên, còn dép guốc, vải vóc thì được đưa về từ Tuy Hòa, nhưng số lượng rất khiêm tốn. Chợ Đèo là nơi mua bán những sản vật gắn liền với ruộng vườn. Hàng hóa được bày ra trên những tấm lá chuối.
Để đưa nông sản đến chợ Đèo, dân An Lĩnh, An Xuân phải đi chợ từ chiều hôm trước. Đường sá gập ghềnh trắc trở, họ thường dùng ngựa để thồ hàng. Những người ở gần thì đi từ bốn, năm giờ sáng. Vai kẽo kẹt quang gánh, tay cầm đuốc hoặc đèn pin, nếu trời không có trăng, họ đi thành từng nhóm, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả.
Khi năm sắp hết, trong những phiên chợ xôn xao hương tết, người dân quê lam lũ có thể cảm nhận mùi vị thân thuộc của vườn tược, ruộng đồng được kết tinh trong miếng cốm Phong Hậu trắng mịn màng, trong những cái bánh men, bánh thuẫn thơm một mùi thơm chấc phác.
QUÊ NGHÈO BỪNG SÁNG
Năm 1995, điện về An Định.
Cuối năm đó, xóm nhỏ ở thôn Phong Hanh bừng sáng.
Có điện, có loa truyền thanh, có tivi, cuộc sống của người dân quê tôi hoàn toàn thay đổi. Vẫn cặm cụi trên những cánh đồng, bãi soi, đám rẫy, nhưng vì biết áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi nên nông dân đã vơi bớt nhọc nhằn. Sau bao năm chắt chiu, người dân quê tôi dần thay những ngôi nhà tranh bằng nhà ngói, mua xe máy. Và Tuy Hòa trở nên gần hơn. Những thành phố lớn trong nước dường như cũng gần hơn qua sóng phát thanh, truyền hình.
Không có chiếc đũa thần nào gõ lên những cánh đồng dãi dầu mưa nắng, những đám soi mát rượi. Vùng quê nghèo của tôi dần đổi khác khi thực hiện khoán 100 rồi khoán 10, năng suất lúa được nâng lên hơn 30 tạ/ha. Chú Ba Định, ông chủ nhiệm HTX hồi ấy, giờ là phó chủ tịch HĐND xã, kể như vậy. Từ năm 1994, An Định thực hiện Nghị định 64, mỗi người được chia 560m2 đất sản xuất nông nghiệp. Và nông dân quê tôi, với những đôi bàn chân nứt nẻ, đôi tay chai sần, tiếp tục cặm cụi trên 375ha với mấy vụ lúa rồi trồng đậu xanh, bắp lai… để có thêm thu nhập.
“An Định vẫn còn nghèo” - ông Phan Văn Ba, Chủ tịch UBND xã An Định nói. Quả thật, bên cạnh những tín hiệu vui thì con số 333 hộ nghèo trên tổng số hơn 1.700 hộ của toàn xã, 61 hộ còn ở nhà tạm, thu nhập bình quân 695kg lúa/người/năm… là những trăn trở. Và khi mùa mưa đến, nước dâng trắng đồng trắng bãi, dân ở xã thuần nông An Định lại lo bời bời.
XANH THẮM ƯỚC MƠ
Tôi rời vùng 6 An Định để vào Tuy Hòa khi cái xóm nhỏ vẫn còn những mái tranh mỏi mòn vì mưa nắng. Đứa trẻ 8 tuổi nhìn mái tranh bằng đôi mắt trong veo mà không hề biết rằng quê mình rất nghèo. Đứa trẻ đi, mang theo hơi thở của đất, mùi rim bí rim gừng quyện khói chiều ba mươi tết, mang theo ngọn gió bấc xốc vào mái tranh tháng 9 tháng 10, để rồi khi trở về ngỡ ngàng và xúc động chỉ vì thấy con đường từ ĐT641 dẫn đến chợ Đèo đã được bêtông hóa, thấy phân trường tiểu học mà mình học ngày trước giờ đã khang trang hơn…
Năm 2009, mỏ sắt Phong Hanh được khai thác. Người An Định hy vọng có một luồng gió mới thổi đến quê mình.
Thi thoảng, bỏ lại sau lưng những ồn ào tất bật của thành phố, tôi trở về quê, chỉ để được ngồi trên bậc thềm căn nhà cũ, ngắm cánh đồng phía trước mặt, những dãy núi quấn quýt chung quanh và nghe bao kỷ niệm tràn về.
Nhiều cái mới xuất hiện ở quê tôi, nhưng cũng có những thứ vĩnh viễn không còn, như cọp, beo chẳng hạn. Hơn 30 năm nay, không ai còn nhìn thấy cọp hay beo gấm ở Phong Hanh, Phong Thăng. Chúa sơn lâm và “người bà con” của nó chỉ còn trong câu chuyện mà người lớn kể cho bọn trẻ nghe, vào những đêm hè ra rả tiếng côn trùng.
Nhưng cánh đồng mãi còn đó, nhắc tôi về sức sống của mảnh đất này, về sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi này. Họ sẽ tiếp tục đưa những tiến bộ của KHKT vào đồng ruộng, chọn giống tốt để trồng hai vụ lúa, đưa năng suất vượt xa con số 64 tạ/ha hiện nay. Họ sẽ trồng đậu xanh, bắp lai…, đồng thời phát triển mạnh đàn bò lai chứ không dừng ở 788 con như hiện có.
Trong màu xanh xôn xao, tôi mong đến một ngày cốm Phong Hậu có mặt ở siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, nông sản của An Định theo thương lái đến những tỉnh, thành khác. Tôi mong mỏ sắt Phong Hanh trở thành đòn bẩy phát triển. Vùng quê của tôi sẽ có nhiều ngôi nhà khang trang, nhiều công trình dân sinh và sẽ “gần” hơn với TP Tuy Hòa, với những thành phố lớn trong nước. Trong màu xanh xôn xao, tôi hình dung nụ cười của nông dân quê tôi như nắng trên đồng buổi sớm.
|