Quê cha Quảng Nam, quê mẹ Bình Định, sinh ra ở Đà Nẵng, sống tuổi ấu thơ ở Đồng Xuân, trưởng thành và lập gia đình ở Tuy Hòa nên từ lâu, tôi đã xem Phú Yên là quê hương của mình. Đất Phú đã cho tôi những gì tươi đẹp nhất và cũng gợi cho tôi nhiều ước mơ, kỳ vọng về một tương lai rộng mở…
Ngày ấy, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi cùng với cha mẹ và anh trai sống trong khu tập thể Trường cấp 2 - 3 Lê Lợi (thôn Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Hồi đó nơi đây đa phần là nhà tranh vách đất, cuộc sống của bà con còn nhiều vất vả. Tuổi thơ tôi là những những buổi trưa hè cùng đám bạn đi hái dừa, chiều lội ruộng bắt cá rồi đắm mình trong nước sông Cái mát lạnh, tối sục sạo trong những bụi cây gần bờ rào để bắt dế. Vào những ngày hè oi nồng, chúng tôi thường vào rừng hái trâm, dủ dẻ, tắm suối để trốn cái nóng giữa núi đồi hoang sơ.
Vào những ngày mùa bội thu, tôi nhớ người dân thường đem cho nhau những nải chuối mới chín, vài bó mía tươi… nhằm san sẻ niềm vui được mùa. Tôi cũng nhớ vào những đêm trăng sáng, các gia đình thường í ới gọi nhau ra khu đất trống gần trường để nhóm lửa luộc bắp, lùi khoai. Và dưới ánh trăng bàng bạc, mọi người vừa thưởng thức sản vật làng quê vừa rôm rả trò chuyện, nói cười nghiêng ngả. Hồi đó, nhà tôi có cái tivi đen trắng đầu tiên của xóm. Vì vậy, vào mỗi tối, bà con chung quanh khu tập thể của trường đều tụ tập đến xem phim, vừa dán mắt vào màn hình vừa bàn tán rất sôi nổi. Nhiều người không đến tay không mà mang theo bắp nướng, đậu phụng, bánh tráng nướng hay khoai lang luộc, vừa xem tivi vừa mời nhau nhấm nháp. Dĩ nhiên, bao giờ cả nhà tôi cũng được mời tham dự vào bữa tiệc dân dã này.
Tôi không bao giờ quên những ngày mưa lụt, nước dữ trên nguồn đổ về, cả khu tập thể giáo viên Trường Lê Lợi kéo nhau chạy lên nơi cao để lánh thủy thần. Những lúc ấy, người dân trong xóm, trong thôn lại nhiệt tình giúp đỡ các thầy cô chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Có đêm tối mò vì điện cúp, tôi và anh hai đang say giấc nồng thì bị dựng đầu dậy, mắt nhắm mắt mở, chân vội vã liêu xiêu chạy theo người lớn lên gò đồi phía Hòn Mưa tránh lũ…
Sau này, khi đã rời xa Long Bình, tôi mới biết vùng đất này còn là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Phú Yên với người bí thư kiên dũng Phan Lưu Thanh. Bây giờ, nơi ấy đã trở thành địa chỉ đỏ và được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Vừa rồi, tôi về Long Bình. Miền thơ ấu năm xưa của tôi giờ đã trở thành một khu phố thuộc thị trấn La Hai. Thời khốn khó dần lùi xa, đời sống bà con ở đây hôm nay đã khá hơn, nhà cửa khang trang, vật dụng trong mỗi gia đình cũng được sắm sửa đầy đủ. Giờ đây, nông dân Long Bình không còn lo về cái đói giáp hạt như thuở nào bởi được tiếp cận những kỹ thuật, phương pháp nuôi trồng sản xuất hiệu quả. Những con đường đất nắng bụi mù, mưa lầy lội năm xưa giờ được thay bằng đường cấp phối, đường bê tông sạch đẹp. Ngôi trường cấp 2 - 3 Lê Lợi cũ kỹ năm nào đã được xây mới rất đẹp, khang trang và chuyển ra khu phố Long Thăng. Đường vào Di tích lịch sử Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên đã được nhựa hóa và trường THCS ở Long Bình bây giờ vinh dự mang tên người bí thư chi bộ đầu tiên cũng nằm trên con đường này. Bây giờ, từ Long Bình, tôi có thể đón xe đò lên Xuân Lãnh, ra TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hay chờ xe buýt xuống Chí Thạnh (huyện Tuy An) rồi vô thẳng Tuy Hòa. Dự án trục đường miền Tây Phú Yên đang được gấp rút thi công, mở ra thời cơ mới, vận hội mới cho Long Bình, La Hai và rộng hơn là cả vùng đất Đồng Xuân giàu truyền thống yêu nước, bất khuất, anh hùng…
TUY HÒA THÂN YÊU
Năm 1994, tôi theo gia đình chuyển vào TX Tuy Hòa. Vừa bước xuống xe, tôi như bị choáng ngợp trước sự khác biệt của thị xã với những ngôi nhà khang trang, những con đường tấp nập người xe qua và rực sáng mỗi đêm bởi ánh điện lung linh. Những buổi sáng, buổi chiều, phố xá như khoác lên một tấm áo mới với tất cả những hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi, thật khác với vùng quê Long Bình yên ả của tôi. Vào những đêm cúp điện, tôi và anh trai thường hay lên sân thượng để nhìn ngắm bầu trời đen thăm thẳm luôn nhấp nháy bởi muôn ngàn ánh sao. Những lúc ấy, chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ đem lại cảm giác lâng lâng, thoải mái và giấc ngủ dịu dàng đến. Chiều chiều, hai anh em tôi thường chở nhau bằng xe đạp chạy lòng vòng từ nhà xuống biển, ghé Hồ Sơn cổ tự rồi lại lên núi Nhạn hóng gió, ngắm thị xã từ trên cao trong ánh hoàng hôn. Năm 1996, nhà tôi chuyển xuống khu vực gần biển. Lúc đó, nơi đây vẫn chỉ là những cồn cát trải dài tít tắp, những hàng dương trầm mặc theo tháng năm nhấp nhô bên những bãi bờ lô xô sóng. Đêm đêm nằm ngủ, đập vào tai là tiếng gió hú rợn người, tiếng cát bay rào rào qua khe cửa... Mấy năm sau, mọi người chuyển đến càng đông, nhà cửa thi nhau mọc lên, đẩy lùi những cồn cát đi về đâu chẳng rõ.
Tạm biệt Tuy Hòa vào Sài Gòn học đại học, những khi cô đơn, tôi vẫn hay ngồi nhắm mắt, hồi tưởng từng con hẻm, góc phố của cái thị xã nho nhỏ thân thương, nơi ghi dấu bao kỷ niệm của tuổi học trò vụng dại mà tươi đẹp. Tôi nhớ Tuy Hòa của mình bình yên, lắng đọng trong những buổi tối dạo mát trên đường Lê Duẩn, Trần Phú…, nhộn nhịp, rộn ràng vào lúc sáng sớm và những lúc tan tầm trên đường Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn…, chói chang nắng và lồng lộng gió trên con đường Độc Lập nằm sát bờ biển xanh thơ mộng. Và tôi thật thấm thía câu nói của ai đó: “Tuy Hòa chẳng ở xa đâu, ở ngay trong chính trái tim mình đây”.
Thời gian chuyển mình, mọi vật thay đổi đến kỳ lạ. Tuy Hòa từ thị xã đã “lên đời” thành phố nhiều năm rồi. Cái xóm nhỏ hồi nào của tôi bây giờ là khu phố Trần Phú thuộc phường 7, là nơi tọa lạc các trường Đại học Phú Yên, Cao đẳng Nghề. Thị xã nho nhỏ “đi dăm phút đã về lối cũ” ngày nào trở thành thành phố; những ngôi nhà thấp lè tè dần được thay thế bằng nhiều nhà cao tầng; nhiều khu du lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng, resort mọc lên. Trong những năm gần đây, Tuy Hòa càng phát triển nhanh. Ở khu vực ven biển, đường Lê Duẩn đã nối dài đến khu du lịch Long Thủy và hình thành nên cung đường du lịch ở phía bắc, rồi đường Trần Phú cũng đã nối từ biển lên Quốc lộ, cầu Hùng Vương nối nhịp đôi bờ nam - bắc sông Ba, mở ra triển vọng phát triển lâu dài. Nhiều khu đô thị mới mọc lên như Hưng Phú, FBS dọc theo đường Hùng Vương; những ngôi biệt thự đa dạng về kiến trúc đã điểm tô thêm vẻ đẹp cho con đường hiện đại nhất TP Tuy Hòa. Về đêm, Tuy Hòa thật rực rỡ! Trên các trục đường Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi…, những chiếc đèn lồng, đèn điện đủ màu sắc nhấp nháy, tạo một khung cảnh nên thơ. Quảng trường 1 Tháng 4 với đèn, hoa sáng rực, là nơi những gia đình gặp gỡ, vui chơi, nơi những người yêu nhau hò hẹn. Tuy Hòa đang thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao hơn trước.
Mỗi khi ngồi ngắm thành phố, tôi lại nhớ về những lời giới thiệu đầy tự hào với những đứa bạn ở miền Nam, miền Bắc về Tuy Hòa quê hương mình. Cánh đồng Tuy Hòa là vựa lúa của miền Trung. Và quê tôi có núi Nhạn, núi Chóp Chài, sông Chùa, sông Ba với những huyền thoại, có ngọn gió đã đi vào thơ ca: “Ôi cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần và phóng túng” (Nhớ máu - Trần Mai Ninh)…
VĨ THANH
Có lần, cha nói với mẹ: “Bây giờ, mỗi lần anh về thăm bà con ở Đà Nẵng cứ muốn vô lại Tuy Hòa cho sớm”. Mẹ trả lời: “Em cũng vậy, mỗi khi ra Tam Quan thăm mẹ lại bần thần nhớ Tuy Hòa. Hơn ba mươi năm, anh và em ăn gạo, uống nước La Hai, Tuy Hòa, đám cưới bọn mình do phụ huynh, học trò Phú Yên đứng ra lo liệu. Hai đứa con sinh ra rồi phương trưởng cũng có sự cưu mang, đùm bọc của bà con đất này. Mấy chục năm qua, hai đứa công tác, làm việc cũng không phụ đất và người Phú Yên, phải không anh?”. Giọng cha nhè nhẹ: “Quê nào chẳng là quê mình, cứ sống cho tròn, cho đủ đầy trách nhiệm con người là phải đạo nhất, em à!”.
Tôi nghe mà giật thột. Tuy chẳng là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng cha mẹ tôi đã mấy chục năm qua thầm lặng cống hiến công sức nhỏ bé, góp phần vào sự phát triển không ngừng của Tuy Hòa và quê hương đất Phú. Còn tôi, tôi đã làm được gì để xứng đáng với vùng đất ấm áp tình người đã cưu mang cho mình trưởng thành như hôm nay?
|