T hú thật…tôi đã nghe nhiều câu ca dao, đọc nhiều bài thơ xưa có nói đến chim nhạn, nhưng đến giờ đã mù tịt về loài thượng cầm này.
Cậy đến sách vở thì…
Cụ Huỳnh Tịnh Của giảng “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng”. Cụ Đào Duy Anh và cụ Bửu Kế giảng “Nhạn: Con ngỗng trời”. Theo cụ Lê Văn Đức và cụ Lê Ngọc Trụ thì: “Nhạn: Con mòng hay con chim mòng, loài chim giống như vịt hay bay xa”. Con mòng là con gì? Vẫn lời hai cụ ấy: Mòng: Giống chim chân dính, thường bay từng đàn đôi ba trăm con”. Tôi đã tưởng… vậy là hơi hơi hiểu về chim nhạn. Thế nhưng … cụ Văn Tân giảng: “Nhạn: Lời chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi, mỏ ngắn, thường làm tổ trên hang đá hay bay từng đàn về vách đá”. Cụ Bùi Tân lại bảo nhạn là “loài chim cánh cứng màu trắng giống chim sếu, bay cao, bay xa tận góc bể chân trời. Chiều về, chúng làm tổ trên những ngọn cây cổ thụ cao”.
Thế thì chết oan cháu rồi các cụ ơi! Chim nhạn đã giống con ngỗng, con vịt, sao còn giống con sẻ, con sếu? Kính xin quý độc giả chỉ giáo. Trong khi chờ đợi, đành bắt chước cụ A.Q lẩm bẩm rằng: “Chắc là có nhiều loài nhạn, nhạn vịt ngỗng, nhạn sẻ sếu, nhạn thời xưa khác, nhạn thời nay khác, nhạn trong thơ ca khác với nhạn ngoài thiên nhiên”.
Ấy là tôi muốn tìm hiểu cho rốt ráo vì nghe có một số ý kiến cho rằng núi Nhạn Tháp của Phú Yên ta sở dĩ có tên như vậy vì “hồi trước nơi đây có rất nhiều chim nhạn”. Về điển cố hai tiếng Nhạn Tháp thì cụ Lê Văn Đức giảng là “chỗ nhạn ở” và nghĩa bóng là “bảng nêu tên những người thi đậu”. Cụ Bửu Kế đi vào chi tiết hơn, rằng đó nguyên là tên cái tháp ở chùa Từ An bên Tàu, đời Đường có dựng bia khắc tên các Tiến sĩ, nên nói đến Nhạn Tháp là nói về công danh đỗ đạt.
Núi Nhạn Tháp của ta, mang tên ấy vì nó nằm trên địa phận làng Nhạn Tháp. Tên làng Nhạn Tháp cũng chưa lâu lắm, chưa phải là xưa lắm. Đầu đời nhà Nguyễn tên làng là Bảo Tháp, tên núi cũng là Bảo Tháp. Bảo cũng đọc là Bửu. Tên Nhạn Tháp mới khoảng hơn 100 năm thôi. Trong đó tên làng chỉ giữ khoảng 50 năm, có 15 năm làng tên là Bình Nhạn. Từ Bảo Tháp chuyển thành Nhạn Tháp, là theo điển xưa, muốn cho quê hương có nhiều người đỗ đạt hay chỉ đơn giản là nơi đây “có nhiều chim nhạn”?
Độ cao của núi Nhạn Tháp không được ghi trên bản đồ. Như thế nó chỉ là núi cấp phường, chỉ chiếm một diện tích quan trọng so với diện tích Phường I. Nhưng nó đạt địa vị núi cấp quốc gia vì có di tích Tháp Nhạn, nó sánh vai với Sông Đà, một đại giang của miền Trung. Núi Nhạn – sông Đà là hình ảnh của Tuy Hoà, của Phú Yên.
Dưới chân núi, mấy con đường chạy giáp vòng nhau chia núi làm hai mặt. Mặt phố xá phía các đường Phan Đình Phùng, Tản Đà, Lê Trung Kiên. Mặt nông thôn phía bờ sông Chùa. Chúng tôi có nghe lớp đàn anh kể chuyện một thời trốn học lên núi hái trái. Tên trái tục quá, xin không nói ra. Tôi chưa biết loại trái ấy, chưa được nếm thử hương vị. Nay không nghe tên nữa, đã đổi ra mỹ danh khác hay bị tuyệt chủng vì đâu? Trên núi có thấy loại trái nào, chỉ lưa thưa mấy bụi bông trang cằn cõi! Cũng nghe lớp đàn anh kể rằng núi Nhạn rất nhiều khỉ, ngày ngày xuống xóm phá phách, có khi bưng cả nồi cơm chạy đi. Khoảng năm 1950-1952, đứng dưới đường nhìn lên tôi thấy chừng năm bảy con khỉ chạy nhảy, ẩn hiện nơi vòm cây, hốc đá. Hồi năm 1960 vài bạn lên núi Nhạn chơi, về bảo có đôi lần gặp khỉ, tin đồn rằng khỉ trở lại, nhưng rồi khỉ đã bỏ đi luôn. Từ lớp chúng tôi về sau, chuyện về khỉ núi Nhạn là chuyện đời xưa.
Con đường ven bờ sông từ chân Cầu Chùa đến giáp đường Phan Đình Phùng bao nhiêu năm nay rất ít thay đổi. Có lẽ đây là con đường quê nhất của Thị xã Tuy Hoà. Một bên lá bóng râm của tre, hơi mát của nước, một bên là nhà cửa và sườn núi làm cho nó luôn luôn thiếu ánh nắng. Nó thích hợp với những ai muốn tìm lại dấu chân dĩ vãng ấu thơ. Trên một đoạn đường ngắn có nhiều ngôi chùa từng được sắc tứ: Chùa Kim Cang, chùa Kim Long….Lại có chùa Ông của người Hoa, tịnh xá Ngọc Thú của các khất sỉ áo vàng. Và hang Âm Phủ, mũi Cà Mau. Hang Âm Phủ do người già gọi từ đời nào. Mũi Cà Mau là tên đám trẻ con đặt cho một mỏm đá ở lưng chừng núi. Lên núi, nếu không theo con đường rộng phía đường Lê Trung Kiên hay đường tắt sau chùa Kim Cang thì leo mũi Cà Mau là gần hơn hết, cũng là ngặt hơn hết.
Rời bỏ cái không khí u tịch của đường bờ song, lên đỉnh Nhạn tháp nhìn xa bốn hướng….Dẫu núi không cao, “nghìn trùng trông xuống bé con con…”. Người xưa có nói:
“Núi không cứ gì phải cao, hễ có tiên ắt linh”.
|