Một vùng quê yên ả bằng lặng cả phong cảnh và nhịp đời. Ấn tượng đó, có lẽ do bình nguyên Tuy Hòa, một vùng lúa ngút ngàn mở ra hai bên bờ sông Ba, với hương đồng gió nội ào ạt tràn vào các khoang, khi con tàu vừa vất vả qua khỏi chặng đường cắt rừng, xuyên núi.
Phú Yên, một tỉnh nông nghiệp, điểm giữa của cái võng miền Trung, từng nổi tiếng về mật ong, lúa gạo, những đàn bò bướu to khoẻ và những vườn cây ăn trái đầy hương vị nữa:
Bắc thang, mang giỏ, hái trầu Hỏi thăm lê, lựu, mãng cầu chín chưa …
Ấn tượng ấy sẽ vẫn sâu lắng, in đậm trong mỗi người, nếu như được những lần dừng chân thực sự nơi vùng đất ấy, có những ngày Phú Yên, những đêm Tuy Hòa và bao kỷ niệm về Tuy An, Sông Cầu, Sông Hinh … để rồi có Tuy Hòa để nhớ Phú Yên và có Phú Yên để gắn bó với Tuy Hòa. Một Tuy Hòa – Phú Yên ăm ấp bề dày lịch sử, nằm giữa lòng miền Trung, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Một đất kiên cường trong kháng chiến chống Pháp-Mỹ, một Tuy Hòa hiền hòa, có vựa lúa lớn nhất miền Trung. Và Tuy Hòa hôm nay đang nhộn nhịp những bước chân, hòa nhịp bước chung của cả nước. Xin thả hồn trong nắng mai, trên Hòa. Nắng ngọt. Gió trong xanh từ biển thổi vào mát rượi, làm cho thị xã nhẹ tênh. Đường phố Tuy Hòa tràn đầy màu xanh, hàng dương bên đường rung lá, khẽ cất lên một điệu nhạc. Bây giờ là cuối năm, con đường Nguyễn Huệ, Tản Đà…thơm mùi hương hoa sữa. Nếu vào tháng bảy, thị xã có hoa trúc đào nở chói đỏ. Có những con đường hoa điệp vàng tung phấn bay bay, và những cánh phượng hồng nở muộn, nằm nghiêng nghiêng trên phố gợi nhớ không nguôi áo trắng học trò và nhộn nhịp người xe, chân bước …
Ai có biết rằng cách đây hàng triệu năm.Tuy Hòa chỉ là biển cả mênh mông, biển cao hơn so với bao giờ 40 mét, khi băng hà Ri-xi tan chảy. Hiện nay có những vỏ sò, vỏ hến còn sót lại trên có đỉnh núi ở lòng thị xã. Và cách đây 418 năm (1578), ông Lương Văn Chánh đã chiêu mộ người khổ bởi sưu cao, thuế nặng ở các vùng Thanh-Nghệ Tĩnh vào mở đất ở cửa sông Đà Lãnh (Đà Rằng). Ba mươi ba năm sau, năm 1611 phủ Phú Yên chính thức được thành lập. Vừa trải qua “đoạn đường” gần 4 thế kỷ, với bao thăng trầm… hôm nay mãnh đất bình yên này cứ sinh sôi, đâm chồi nảy lộc.
Con sông Đà Rằng, vùng thượng nguồn gọi là sông Ba, một tấm lụa trải dài, tắm mát cho đồng ruộng Tuy Hòa. Ai đấy, một ngày nào đó sẽ ngược dòng sông, tìm về cội nguồn của dòng sông Ba, để nằm nghe tiếng chảy róc rách của những con suối, để nghĩ về dòng sông và một đời người… Cầu Đà Rằng được coi là cây cầu dài nhất miền Nam 1.011 mét, có 21 nhịp, được xây dựng những năm 1960. Cầu Đà Rằng nằm sát cửa biển, nối thị xã Tuy Hòa và huyện Tuy Hòa lại với nhau. Bờ biển Phú Yên dài 117 km, có những Vũng Lắm, Vũng La, Vũng Rô… đẹp như tranh vẽ… Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào Vũng Dông, Vũng Lắm… Vũng nào cũng thương. (Ca dao) Biển Phú Yên là chứng nhân sự kiện lịch sử ngoại giao dưới Triều Minh Mạng, một phái đoàn chính thức Hoa Kỳ, do Edmund Roberts cầm đầu đến thăm Việt Nam. Ông Roberts mang theo bức thư của Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson, cặp bến Vũng Lắm vào tháng 11/1932. Nội dung cuộc gặp gỡ là đặt nền móng cho quan hệ bang giao Việt-Mỹ. Tiếc thay, cuộc gặp gỡ ngoại giao đầu tiên ấy đã không thành. Tình người Tuy Hòa-Phú Yên cũng mênh mông như biển cả, mộc mạc hiền lành như lúa, như khoai. Những câu ca dao ngọt ngào yêu thương thể hiện sự thuỷ chung.
Nước nào trong bằng nước Sông Hinh Đố ai ở chung tình bằng em.
Với nhớ ai thì nhớ “ruột rã gan rời”… “Một ngày xa bạn ăn vàng không ngon” … keo kết trong sự đằm thắm mộc mạc, nguyên vẹn trong chút vị quê mùa ở quả xoài Đá Trắng, bát tương Thiên Thai, khoai lang Suối Mít, thuốc lá Lỗ Qui… Người dân Phú Yên thiết tha gắn bó với những cái gì nhỏ nhoi thân mật ấy, luôn luôn nói về nó, dù lời lẻ có thô thiển những vô cùng sâu sắc. Một tình yêu quê hương không thể lý giải, y như tình con yêu mẹ, mẹ yêu con, không lắm lời, lẫn vào miền quê nào khác được. Trong cái chung của cả dân tộc, Phú Yên có cái riêng, như tên gọi của nó. Tuy Hòa-Phú Yên rồi sẽ giàu lên – làm giàu bằng chính thực lực của mình, bằng chính tiềm năng sẵn có của quê hương. Phải chăng từ một phương châm thích hợp các cơ sở nông nghiệp của Phú Yên đã ra đời, được khẳng định và phát triển. Với tốc độ tăng trưởng công nghiệp 18% năm Phú Yên đang hình thành ba vùng công nghiệp : bắc Tuy Hòa, đông Tuy Hòa, nam Tuy Hòa góp phần thức đẩy sự chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, nhanh chóng, hiệu quả. Mười bảy địa chỉ sản xuất công nghiệp mà sản phẩm đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh trong nước và nước ngoài : nhà máy đường, các nhà máy lắp ráp tivi, xe máy, giày da xuất khẩu… Đó là kết quả của ba năm nắm bắt, quyết tâm thực hiệc công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vâng, nhất định một ngày không xa, khi mà thuỷ điện Sông Hinh phát điện, cảng biển Vũng Rô hoàn thành … Những suy nghĩ hôm nay, lại một lần nữa trở nên cũ kỹ. Nhưng có sao đâu, đó cũng là tất yếu, là đáng vui lắm chứ!
|