I Làng tôi ở Hòa Mỹ (huyện Tây Hòa) bên sông Bánh Lái, một dòng sông nhỏ chảy về từ dãy núi Đá Đen. Lúc còn sống, nội tôi thường kể: “Nói sông Bánh Lái là vì hồi tao còn con gái, ở tận dưới miệt biển, người ta còn theo sông lên núi trên này lấy cây làm bánh lái thuyền”. Khi tôi lớn lên, dòng sông - như người lớn nói - là nó đã nhỏ lại, rừng đã bị phá không còn nhiều gỗ quý, không còn chuyện đi lấy cây làm bánh lái thuyền như xưa nữa. Chỉ còn câu chuyện của nội vào mỗi mùa mưa, khi đêm nghe ầm ầm núi lở, “ông bà đi lấy cây lấy đá đó”- nội nói. Sáng ra, nhìn lên núi chỉ thấy khói đá, đôi lúc cũng có một vạt rừng tuột xuống lộ ra mảng đất đỏ. Dòng sông khi đó có một chút huyễn hoặc, nhưng rồi trở lại gần gũi và thân quen uốn lượn êm đềm qua những bãi soi xanh mướt.
Sông quê -Ảnh: N.DUNG Bến sông gần nhà tôi nhất được gọi là bến Trâu. Lại chuyện hồi xưa, quê tôi nhiều ruộng lầy nên phải cày bằng trâu, trâu đầm mình nhiều ở bến sông này. Khi tôi lớn lên, không còn nhìn thấy bóng dáng con trâu nào trong thôn, trâu chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi. Mỗi chiều về, tôi chỉ cần đi qua cái rộc Bầu Cạn, qua những đám mía xanh um tùm và một vài căn nhà nhỏ lô nhô trước mặt là bắt gặp bến sông. Mùa hè, dòng sông trong vắt hiền hòa, khoảng cách đôi bờ như ngắn lại, chúng tôi có thể nhìn thấy từng đàn cá mương bơi lội tung tăng dưới nước. Bến sông quê chiều nào cũng rộn rã tiếng í ới của đám trẻ con chơi trò đánh trận giả lẫn trong tiếng cười nói râm ran của các bà, các chị đang ngồi giặt áo. Đó cũng là lúc người đi rừng, đi làm đồng bên kia sông về nghỉ chân, và trẻ em đi học từ bên này về lại làng bên kia sông.Sông Bánh Lái từ Hòa Mỹ chảy xuống Hòa Thịnh gặp thêm sông Trong rồi chảy về tận miệt biển có tên là sông Bàn Thạch. Quê ngoại tôi ở gần cuối con sông này, ở làng Bàn Nham kề với làng Bàn Thạch (huyện Đông Hòa). Câu chuyện “anh ở đầu sông em cuối sông” cũng là câu chuyện của ba má tôi. Năm giặc Pháp chiếm núi Hiềm đánh phá Hòa Xuân, cả nhà ngoại theo đoàn tản cư ngược sông Bàn Thạch lên Hòa Mỹ, ba má tôi gặp nhau. Chiến tranh khốc liệt, khi lính Đại Hàn đổ bộ lên núi Lá, cả hai nhà nội ngoại đều ly tán. Đến khi hòa bình, nhà tôi về quê cũ, thì nhà ngoại đã về nơi cuối dòng Bàn Thạch trước đó. Thi thoảng, cậu dì tôi từ phía cuối sông theo thuyền máy ngược dòng lên mang cho mắm cá và đem về gạo nếp, khoai củ của nhà tôi biếu bà con bên ngoại. II Tôi lớn lên dòng sông hẹp lại, cạn kiệt hơn trong mùa nắng đổ và hung dữ hơn trong mùa lụt lội. Dòng sông vắng dần những chuyến đò máy từ miệt biển lên. “Rừng núi giờ bị tàn phá gần hết rồi” - ba tôi nói, mỗi khi lấy cây về làm nhà phải đi xa hơn, leo núi nhiều hơn trước. Mùa mưa về, lũ lụt tràn lên nhanh hơn. Tháng chín, tháng mười âm lịch, chỉ cần mưa dầm dề vài ba ngày, nước sông Bánh Lái tràn bờ, ngập hết những vườn rau, đám bắp, đám khoai trồng dọc hai bên triền sông, rồi ào ạt tấn công đến rộc Bầu Cạn trước nhà. Chẳng mấy chốc, nước lụt len lỏi vào khắp các lối đi trong cái xóm nhỏ. Làng xóm dọc theo hai bên bờ sông Bánh Lái trở thành những “ốc đảo” hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Dòng sông trở thành trở ngại quá lớn đối với bà con làng tôi-những người phải đi rừng, đi làm ruộng nước trời ở bên kia sông. Đám bạn tôi bên thôn Lạc Chỉ đi học lại càng khó khăn gấp bội, vì phải vượt qua con sông Bánh Lái đầy cách trở. Ngày ấy, chưa có cây cầu nào bắc qua sông, người dân hai bên bờ sông qua lại bằng đò. Những ngày mưa lớn, người lái đò dù tráng kiện đến mấy cũng không dám chở khách sang sông vì sợ bất trắc. Những mùa mưa đi qua. Mấy người bạn của tôi ở thôn Lạc Chỉ ngậm ngùi rời xa trường lớp. Bắt đầu là Tâm Tư, Nam, Trí, sau đó là Thủy, Lệ, Xuyến… bỏ học. Họ đành gác lại những giấc mơ học hành để gắn cuộc đời mình vào những mảnh vườn, thửa ruộng ở bên kia sông. Dòng sông cứ trôi qua bao mùa mưa nắng, chúng tôi ngày càng lớn lên, vùng quê nghèo dần dà thay da đổi thịt. Nhờ khoán 10, rồi “Ánh sáng Bác Hồ”, những mái tranh nghèo trở thành mái ngói, ánh điện bừng sáng khắp mọi nhà thay cho những ngọn đèn hột vịt leo lét bao đời. Câu chuyện phát triển mà quê tôi tính đến là chuyện cây cầu bắc qua sông Bánh Lái. Thế rồi cầu Bến Trâu bằng bê tông được xây dựng. Ngày khánh thành cầu là ngày hội, người già nói: “Bao đời rồi, giờ gần đất xa trời mới thấy, không còn cách trở đò giang, con cháu bây giờ đỡ khổ rồi!”. Từ ngày có cây cầu mới, cuộc sống người dân hai thôn Xuân Mỹ, Lạc Chỉ vơi bớt nhọc nhằn. Có điện, ngay lập tức lãnh đạo xã Hòa Mỹ Đông nghĩ cách dẫn nước từ dưới sông Bánh Lái lên tưới cho những cánh đồng khô khát. Sự xuất hiện của hai trạm bơm Vực Lộn, Vực Dinh không chỉ làm hồi sinh cây lúa ở đồng Dáy, đồng Dừng, Cam Thanh, Kham Ngãi, Bầu Đâng…, mà còn phục hóa một số diện tích đất bị bỏ hoang trước đó. Niềm vui này không chỉ ở riêng thôn Lạc Chỉ mà hiện hữu khắp đôi bờ sông Bánh Lái. Từ ngày có cây cầu, những tuyến đường được nối dài và mở rộng thêm. Cùng với đó, Nhà máy đường Tuy Hòa còn hỗ trợ vốn cho nông dân Hòa Mỹ Đông mở rộng diện tích đất trồng mía ở bên kia sông Bánh Lái. Bến sông, cây cầu là nơi hò hẹn của nam nữ thanh niên vào những đêm trăng thanh gió mát. III Cuộc sống phát triển dần lên, song cũng mang về bao bề bộn. Nhà cửa xuất hiện nhiều, ruộng đất thu hẹp dần, bò đàn biến mất vì không còn nơi chăn thả. Trên núi Hòn Ông, Hòn Chảo, sau khi rừng tự nhiên bị phá, người ta triển khai dự án trồng rừng lại. Dòng sông ăm ắp nước giữa đôi bờ tre xanh mát ngày trước giờ nhỏ như một con lạch, nhưng lại hung hãn hơn vào mùa lũ. Mỗi năm lũ về, hàng tre bên bờ sông bị xói lở dần. Tôi xa quê đi học rồi đi làm, trở thành người thành phố dù chỉ cách quê gần hai tiếng đồng hồ chạy xe máy. TP Tuy Hòa phát triển rất nhiều, các vùng quê khác có các dự án này dự án kia cũng phát triển nhanh, còn quê tôi đổi thay chậm quá. Buồn nhất là người ở quê giờ ly tán khắp nơi để mưu sinh, bởi ở nhà không có việc làm. Số người rời quê đi làm thuê ngày càng nhiều, nhiều nhà rủ nhau đi bán vé số tận Sài Gòn. Nhiều lúc về quê chỉ còn gặp người già, còn thanh niên đa phần đã đi làm ăn xa. Ở thượng nguồn Bánh Lái có vực Phun là thắng cảnh của Phú Yên. Đã hơn mười năm rồi nghe nói sẽ xây dựng nơi đó trở thành điểm du lịch. Cũng chừng ấy năm, người dân quê tôi khấp khởi mừng khi nghe sẽ xây dựng thủy điện Đá Đen ở đó, cắt lũ cho vùng hạ du. Cảnh lụt lội vào mùa mưa rồi sẽ chấm dứt. Mới đây, tôi về quê nghe mọi người trong thôn râm ran bàn tán chuyện trồng tre ngăn lũ, chống xói lở đất ở hai bên bờ sông Bánh Lái. Ba tôi dù đã bước sang tuổi “cổ lai hy” lâu rồi song vẫn hăng hái tham gia các cuộc họp trong thôn bàn về kế hoạch ứng phó lũ lụt trong mưa bão sắp tới. Thanh niên trẻ, khỏe trong thôn được huy động vào Đội Thanh niên Chữ thập đỏ xung kích để tham gia trồng tre chống lụt. Ông chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho biết bên cạnh việc trồng tre, Hội Chữ thập đỏ Na Uy còn hỗ trợ xây dựng một số công trình phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng cho người dân nơi đây. Lâu lắm tôi mới ngủ lại ở quê, “đêm nằm năm ở”, giấc ngủ của tôi đến thật nhanh chóng trong đêm mưa dịu mát. Trong giấc mơ, tôi gặp lại hình ảnh dòng sông quê nước trong mát đầy ắp với bờ tre xanh mát, với khung cảnh núi rừng vang lừng tiếng chim kêu mỗi sáng. Thức dậy mới hay, ước mơ đôi khi nào có xa xôi gì mà lại gần gũi với hình ảnh của quá khứ. Ai cũng muốn quê mình giàu lên, nhưng không mất đi những gì quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Ước muốn đó phải chăng là xu hướng đang được nói nhiều trong thời gian gần đây “phát triển phải đi đôi với bền vững”. Tôi đọc được những tài liệu về sự phát triển của nông thôn nước ngoài, nơi đó nông dân có cuộc sống rất sung túc, không nghèo khó như ở nhiều vùng quê ở nước mình. Bởi thế, tôi kỳ vọng biết bao vào chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai theo chủ trương của Đảng, để những miền quê Phú Yên bao đời nay gắn chặt với nông nghiệp phát triển hơn, hiện đại hơn, nhưng môi trường và thiên nhiên vẫn được giữ gìn và khôi phục. Làm sao để những người dân quê “ly nông bất ly hương”? Làm sao để núi rừng không biến thành đồi trọc? Làm sao những dòng sông bớt bất thường vào mỗi mùa lũ và sau đó không bị sa mạc hóa? Thật mong làm sao có nhiều chương trình đầu tư cho nông thôn, để chúng ta bớt phải chạnh lòng khi về nhìn lại dòng sông quê mình. Và những câu hỏi ngổn ngang về quê hương đang dần được giải đáp. Tôi đọc Câu chuyện dòng sông của Siddhartha từ thời sinh viên, đó là câu chuyện đi tìm chân lý cuộc đời, đi tìm hạnh phúc của con người. Không hiểu sao bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện dòng sông của quê mình. Chỉ có điều rất khác, câu chuyên dòng sông quê tôi không cao xa triết luận, mà là câu chuyện đi tìm hạnh phúc giản dị của bao đời người với ước mong được sống sung túc hơn và an vui hơn |